“CÚ ĐÓNG VAN THẾ KỶ” CỦA NGA VÀ SỰ TÁC ĐỘNG ĐẾN GIÁ XĂNG DẦU, KHÍ ĐỐT TOÀN THẾ GIỚI

12/04/2023

Những ngày gần đây, giá xăng dầu và giá khí đốt liên tục tăng cao đã gây ra sự ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tính đến ngày 14/03/2022 giá xăng đã được điều chỉnh 7 lần và chạm mốc lên đến 30.000 đồng/lít. Việc giá dầu, giá xăng, giá khí đốt tăng mạnh là một yếu tố tác động mạnh mẽ đối với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.

Ảnh: Biểu đồ biến động giá xăng dầu trong nước từ 25/12/2021 – 11/03/2022 (Đơn vị: VND/ lít)

Ảnh: Biểu đồ biến động giá dầu Mazut N02B (3, 0S) trong nước từ 11/01/2021 – 11/03/2022 (Đơn vị: VND/ kg)

Ảnh: Giá LPG mới nhất năm 2022 (Từ tháng 01 – 03)

NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN VIỆC GIÁ XĂNG, DẦU, KHÍ TĂNG MẠNH.

Cuộc xung đột về mặt chính trị giữa Nga và Ukraine đang ngày càng leo thang. Mặc dù một cuộc đàm phán giữa hai nước đã được tổ chức song tính đến thời điểm hiện tại tình hình chiến sự giữa hai bên vẫn còn đang rất căng thẳng. Sự căng thẳng chính trị tại khu vực Đông Âu đã đẩy giá dầu thế giới tăng lên 105 USD/thùng – mức cao nhất kể từ năm 2014. Đặc biệt vào ngày 05/03/2022 Hãng tin RT (Nga)  (theo giờ địa phương) đã phát thông báo: “Đường ống Yamal-Europe đã tạm dừng tất cả các nguồn cung cấp gas sang hướng Tây, điều đó có nghĩa là dòng chảy từ Nga sang Đức đã bị đình chỉ vô thời hạn“, chính “cú đóng van thế kỷ” này đã khiến cho các nước châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói chung gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng thay thế vì Moscow đang đáp ứng gần 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu thông qua đường ống này và việc ngừng cung cấp có thể khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt. Khi giá dầu, giá khí đốt tăng thì cũng là thời điểm toàn cầu phải giải quyết bài toán các loại chi phí khác sẽ tăng như giá cước vận chuyển, giá các nguyên liệu, hàng hóa. 

Sự thiếu hụt về nguồn cung dầu trên toàn thế giới cũng chính là một trong những lý do đẩy giá dầu tăng mạnh. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) dù cam kết tăng nguồn cung ở mức 400.000 thùng/ngày, nhưng mức tăng chỉ đạt 150.000 thùng/ ngày vào cuối tháng 1. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến hết tháng 1/2022, dự trữ dầu thô của 38 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ còn khoảng 2,7 tỷ thùng, thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

GIÁ XĂNG, DẦU, KHÍ TĂNG MẠNH –  ÁP LỰC LỚN ĐẾN LẠM PHÁT VÀ SẢN XUẤT TIÊU DÙNG. 

Hậu Covid 19, nhu cầu sử dụng dầu tăng mạnh từ các nền kinh tế khi các nước thực hiện chiến dịch mở cửa trở lại, phục hồi kinh tế. Nhiều quốc gia tiếp tục nới lỏng kiểm soát, khôi phục các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hoạt động sản xuất, vận tải, du lịch, hàng không. Tuy nhiên việc giá dầu và giá khí tăng đột biến có thể khiến việc phục hồi nền kinh tế trở nên khó khăn và trì trệ. Bởi lẽ, giá xăng dầu và giá khí thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu và khí đốt.

Một số ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể kể đến như vận tải hàng hải, đánh bắt thủy sản. Vì vậy, bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng khí, giá xăng tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu trên diện rộng.

Ngoài ra các ngành nghề khác như sản xuất, nuôi trồng cũng chịu tác động không ít từ việc giá dầu, giá khí tăng bởi lẽ các ngành này đều dùng xăng, dầu hoặc khí để vận hạnh máy móc.

Nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu tăng tốc trở lại sau thời gian dài chiến đấu với dịch Covid 19 nhưng tình hình chiến sự và giá dầu, giá khí đang khiến đường đua trở nên gập ghềnh và khó khăn hơn.